Ô tô ngập nước khiến nội thất có thể bị nấm mốc, gây mùi khó chịu. Nếu không vệ sinh nội thất ô tô kịp thời, đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tính thẩm mỹ và tuổi thọ của xe.
Ô tô bị ngập nước không chỉ khiến động cơ chết máy mà nội thất xe cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi dừng xe tại nơi khô ráo và an toàn, người dùng cần thực hiện vệ sinh nội thất ô tô để ngăn ngừa nấm mốc.
Trước khi thực hiện vệ sinh nội thất, lái xe cần tắt máy động cơ. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng chập cháy, đảm bảo an toàn cho người và xe.
Nhanh chóng hút nước trong khoang nội thất ra ngoài, tránh để tình trạng ngấm vào nội thất trở nên nghiêm trọng hơn. Để loại bỏ nước đọng, đặc biệt tại các khe kẽ, chủ xe nên sử dụng máy hút chuyên dụng hoặc khăn mềm. Lựa chọn loại khăn có thành phần cotton cao để dễ dàng thấm hút nước và không để lại cặn vải trên bề mặt nội thất.
Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng baking soda (muối nở) để hút ẩm, khử mùi hôi hiệu quả. Với thảm trải sàn, chủ xe nên tháo ra, phơi dưới ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, khi vệ sinh sàn xe, cần lưu ý bọc hệ thống dây điện, tránh chập cháy, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Sau khi hút hết nước, người dùng mở cửa và phơi xe tại khu vực có nắng nhẹ và thoáng gió. Điều này tạo sự lưu thông không khí, hạn chế sự xuất hiện nấm mốc trên bề mặt của nội thất xe.
Tiếp đó, chủ xe tháo sàn, kiểm tra khoang lốp dự phòng, khu vực thảm và cốp xe. Đây đều là những vị trí khó loại bỏ nước, hơi ẩm nên dễ phát sinh nấm mốc.
Nếu nội thất xuất hiện dấu hiệu nấm mốc, hãy sử dụng cọ nylon hoặc chất tẩy rửa chuyên dụng để vệ sinh. Lưu ý, thao tác chà sát cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm xước, ảnh hưởng tới thẩm mỹ ô tô.
Những vết mốc ở ghế thường “cứng đầu”, khó loại bỏ. Để khắc phục, chủ xe có thể xịt dung dịch giấm trắng lên vùng cần làm sạch và lau lại bằng khăn mềm. Bên cạnh đó, sử dụng bột chống mốc chuyên dụng để hạn chế tối đa sự sinh sôi, phát triển của nấm mốc.
Khi thực hiện bước vệ sinh nội thất ô tô, người dùng nên đeo găng tay và khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, nấm mốc độc hại.
Cần loại bỏ vật dụng bị ướt trong xe, thực hiện các biện pháp làm khô thoáng hoàn toàn cho nội thất xe để ngăn ngừa nấm mốc quay trở lại. Ngoài ra, đừng quên kiểm tra, bịt các lỗ rò để hạn chế tình trạng nước tràn vào xe khi di chuyển trời mưa hoặc qua vùng ngập nước.
Tùy theo chất liệu nội thất trên xe là da hay nỉ sẽ có phương án xử lý nấm mốc khác nhau. Theo đó, nội thất da đòi hỏi cách xử lý kỹ càng hơn khi không được sử dụng chất tẩy rửa có độ bào mòn cao, cần được hong khô trong điều kiện nhiệt độ thường. Chủ xe nên sử dụng dầu dưỡng chuyên dụng để tăng độ căng bóng, mềm mại cho bề mặt nội thất da.
Với nhiều chi tiết được làm từ các vật liệu khác nhau, nội thất ô tô khá rất khó xử lý nếu gặp nước. Các chuyên gia ô tô khuyến cáo chủ xe nên đưa phương tiện đến trung tâm bảo dưỡng để được kỹ thuật viên hỗ trợ tháo toàn bộ nội thất và phân loại để việc vệ sinh nội thất ô tô đạt hiệu quả cao nhất.